Cách trị nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh và những sai lầm thường gặp
Ngày đăng: 25-06-2020
Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi là chuyện mà các bậc cha mẹ nào cũng gặp phải. Nhưng đôi khi cách trị nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh sai lầm có thể gây hại nhiều hơn là lợi.
Khi trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi, nhiều cha mẹ xót con đã tìm đủ mọi cách để giúp con chóng khỏi. Từ việc tra hỏi “bác sĩ Google” đến nghe những mẹo hay của những người lớn tuổi hay bạn bè... để ra cách trị ngẹt mũi cho trẻ sơ sinh. Nhưng không phải cách nào cũng là đúng đắn, nên áp dụng mà đôi khi có thể gây ra hậu quả khó lường trước.
Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi sẽ bị ảnh hưởng ra sao?
Nghẹt mũi là triệu chứng ban đầu của khá nhiều bệnh, đặc biệt là các bệnh liên quan đến đường hô hấp ở trẻ sơ sinh. Về các vấn đề bệnh lý, mẹ cần theo dõi con thường xuyên để có thể xử lý kịp thời. Riêng việc nghẹt mũi thôi cũng có thể gây ra nhiều vấn đề khó chịu cho con trẻ như :
Con cảm thấy khó chịu, vướng víu, thở khò khè, có thể quấy khóc và cáu gắt.
Nghẹt mũi có thể đi kèm với chảy nước mũi, cũng khiến trẻ bức bối. Hơn nữa khi trẻ nghẹt mũi thì con phải thở bằng miệng, gây khô miệng và khó chịu.
Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi sẽ khiến con khó bú, bú ngắt quãng, dễ bị sặc.
Như vậy, chỉ mỗi việc nghẹt mũi bình thường thôi cũng đã gây cho con nhiều khó chịu. Tuy nhiên, cha mẹ cũng có thể có những cách trị nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh làm giúp con đỡ hơn và nên chú ý tránh những sai lầm thường gặp dưới đây nhé.
Sai lầm của cha mẹ trong cách trị nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh
Dùng kháng sinh cho con: Đây là một sai lầm khá phổ biến với các bậc cha mẹ. Thường cha mẹ nghĩ rằng con bị nghẹt mũi, bị cảm thì cũng uống thuốc được và cho rằng liều lượng thật nhỏ sẽ an toàn cho con. Nhưng thực sự là trẻ dưới 2 tháng tuổi không được dùng kháng sinh mà không có chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu dùng sai thì có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng hơn.
Kiêng tắm và ủ kĩ con: Cha mẹ nghĩ rằng con bị cảm lạnh nên cần được ủ ấm và ở phòng. Nhưng sự thực trẻ cần được vệ sinh sạch sẽ để ngăn sự phát triển của vi khuẩn. Đồng thời ủ ấm trẻ vừa đủ vì ủ con kỹ quá dễ khiến con bị sốt, phòng kín quá cũng không tốt cho con và đặc biệt không được sử dụng đốt lò than trong phòng để sưởi ấm, sẽ gây hại cho trẻ.
Dùng miệng hút chất nhầy cho con: Sai lầm này cũng rất phổ biến. Mẹ nghĩ rằng có thể dùng miệng hút để con được thông mũi. Sự thật là mẹ gây hại cho con nhiều hơn lợi vì vi khuẩn có thể lây từ miệng của mẹ sang cơ thể con. Ngoài ra, lực hút mạnh có thể khiến sụn mũi còn yếu của trẻ bị tổn thương.
Dùng cách mẹo dân gian để chữa: Các mẹo dân gian không phải lúc nào cũng đúng và an toàn nhất cho trẻ nên mẹ cần xem xét kỹ lưỡng. Đừng bôi những chất lạ hay cho con uống những thức uống không rõ công dụng hay nguồn gốc.
Đề phòng nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh
Ngoài việc thực hiện cách trị nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh với những cách hiệu quả như: tắm nước ấm với 1-2 giọt tinh dầu, dùng máy hút chất nhầy trong mũi cho trẻ, rửa mũi bằng nước muối sinh lý,cho con bú… thì cha mẹ cũng cần chú ý tới việc phòng bệnh cho con.
Cách phòng nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh hiệu quả đó là đảm bảo môi trường xung quanh con luôn được sạch sẽ. Cha mẹ nhớ chú ý giữ gìn nhà cửa sạch, không để nhà bụi bặm, hạn chế trưng bày quá nhiều hoa hay xịt nước hoa trong phòng sẽ có thể khiến con bị dị ứng, vệ sinh máy lạnh, không để thú cưng từ không gian khác ở quá gần bé…
Ngoài ra, mẹ cũng nên nhớ bù nước đủ cho trẻ, cho trẻ bú nhiều và ăn uống đủ chất nhằm tăng cường sức đề kháng nữa nhé.
( Nguồn sưu tầm )