Pha sữa cho trẻ sơ sinh thế nào là đúng cách ?
Ngày đăng: 02-06-2020
Học cách pha sữa cho trẻ sơ sinh thôi cũng chưa đủ, mẹ còn phải tìm hiểu những sai lầm thường gặp trong cách dùng sữa công thức cho bé gồm những điều sau:
- Hâm nóng bình sữa bằng lò vi sóng sẽ không làm nóng sữa đều, chỗ nóng chỗ lạnh khác nhau và có thể gây ra những chỗ cực nóng trong sữa, làm bỏng miệng bé.
- Mẹ tuyệt đối không nên thay đổi công thức pha sữa. Nếu cho quá nhiều nước, em bé có thể sẽ bị thiếu lượng dinh dưỡng cần thiết. Nếu cho quá ít nước, em bé lại có nguy cơ bị mất nước.
- Dùng nước khoáng để pha sữa công thức cho bé là một sai lầm vì đây là loại nước bão hòa chứa hàm lượng khoáng chất cực kỳ cao có thể gây hại đến trẻ sơ sinh. Một số loại nước khoáng còn chứa nhiều muối và canxi, cao hơn lượng chất mà trẻ cần hấp thụ. Vì thế, dùng nước khoáng pha sữa cho con có thể khiến bé bị ngộ độc, hại thận, rất nguy hiểm.
- Nước pha sữa cần phải nóng đến ít nhất là 70 độ C để thanh trùng, diệt vi khuẩn trong cả nước và cả sữa công thức, sau đó để nguội dần đến 40 – 50oC rồi pha. Nước để pha sữa còn phải là nước không để quá 30 phút sau khi đun sôi. Trước khi cho em bé uống, hãy làm mát một cách nhanh chóng bằng cách để bình sữa dưới vòi nước đang chảy, cho đến khi sữa hạ nhiệt độ đến mức vừa phải để bé uống được.
- Một chai sữa nóng luôn là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi nảy nở. Đó là chưa kể vi khuẩn từ nước bọt của bé cũng có thể sinh sản ngay trong bình sữa khi bé ngậm quá lâu. Vậy nên, nếu sau 2 tiếng đồng hồ mà bé không chịu “ti” hết bình thì mẹ đừng tiếc mà hãy bỏ bình sữa đi. Nếu mẹ mang bình sữa đã pha sẵn đi theo trong khi đi xa, bình sữa cần phải được bỏ đi sau 24 giờ không sử dụng.
- Không ép buộc bé bú quá nhiều mẹ nhé vì chính bản thân bé sẽ biết được mình cần bú bao nhiều là đủ.
- Mẹ không nên để bé ngủ trong lúc đang bú sữa vì có thể dễ làm bé hóc, nghẹn. Ngoài ra thì răng của bé cũng dễ bị sâu nếu ngậm sữa trong một thời gian dài.
- Tuyệt đối không bao giờ để bé tự cầm bình sữa và tu một mình mẹ nhé, điều này sẽ làm tăng nguy cơ nôn trớ và nghẹt thở
Mẹ cần nhận thức được những tác hại sau khi mẹ không bảo quản sữa bột cho bé đúng cách:
Bảo quản không đúng cách có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sản phẩm (mùi không còn thơm, thiên về vị chua, thay đổi trạng thái, có thể bị vữa…), không những làm sữa không còn giữ được hương vị và những tác dụng ban đầu mà còn biến chúng thành ổ vi khuẩn có hại cho sức khỏe của bé.
Bảo quản không đúng nhiệt độ có thể làm sữa nhanh bị oxy hóa sinh các chất độc hại, sữa bị khô, nổi bọt khi pha, lâu tan…
Để sữa bột cho bé không bị biến chất, giữ nguyên được các giá trị dinh dưỡng giúp bé phát triển toàn diện, mẹ cần bảo quản sữa đúng cách:
- Không nên để sữa bột trong tủ lạnh vì đây không phải cách bảo quản hợp lí. Chính môi trường ẩm ướt trong tủ lạnh sẽ khiến sữa bột rất dễ hút ẩm. Nếu bảo quản trong tủ lạnh lâu, sữa bột không những sẽ dễ bị ẩm mốc mà còn khiến sữa của bé bị vón cục, thay đổi chất sữa và mất đi giá trị sử dụng.
- Chú ý đóng chặt nắp sau khi pha sữa để không làm sữa bị ẩm và vón cục.
- Mẹ nên chú ý và sử dụng sữa trong thời gian sử dụng cho phép, thông thường sẽ là 18 tháng với sữa bột hộp giấy và 2 năm với sữa hộp. Tuy nhiên, nếu đã mở nắp, mẹ nên chú ý sử dụng trong vòng 30 ngày.
( Bác sĩ Nguyễn Vũ Linh – Trưởng ban trung tâm dinh dưỡng Vinamilk )