Trẻ ho nhiều khi ngủ mẹ phải làm gì đây?
Ngày đăng: 05-05-2020
Khi mẹ nhận thấy trẻ ho nhiều khi ngủ thì chắc chắn rằng sức khỏe của bé đang gặp phải vấn đề và mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ trước khi áp dụng những lời khuyên sau đây để bé mau chóng khỏi bệnh.
Nguyên nhân khiến trẻ ho nhiều khi ngủ
Mũi là bộ phận trên cơ thể dễ dàng tiếp xúc với các loại vi khuẩn từ môi trường ngoài thông qua việc hít thở, do đó mũi của bé và cả người lớn thường dễ bị viêm với biểu hiện cụ thể là sổ mũi. Tuy nhiên, chúng ta chỉ thấy được 1 phần số lượng dịch mũi chảy ra bên ngoài, còn số khác sẽ chảy ngược vào trong và xuống cổ họng gây ra tình trạng vướng đờm ở họng. Khi đờm chảy xuống họng sẽ gây ra tình trạng kích thích vùng họng làm cho bé nôn trớ hoặc ho.
Lý do mà trẻ thường bị ho nhiều khi ngủ đó là do khi bé nằm, mũi sẽ ở vị trí cao hơn, khiến cho tất cả chất dịch chảy xuống họng, kích thích bé ho hoặc nôn nhiều hơn. Ngoài ra khi sổ mũi, dịch mũi có thể làm tắc vòi nhĩ gây tình trạng viêm tai giữa, có thể gây viêm họng, có thể gây viêm tiểu phế quản, viêm phế quản phổi.
Những triệu chứng trên khi biểu hiện ra ngoài mẹ sẽ không thể phần biệt đâu là nặng đâu là nhẹ, cho nên nhất thiết mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để xem bé có gặp phải vấn đề nghiêm trọng nào về sức khỏe hay không trước khi quá muộn.
Nếu bé không gặp phải bệnh lý nào đáng lo ngại thì ngoài việc tuân theo những chỉ định của bác sĩ mẹ cũng có thể áp dụng những cách này để làm giảm khó chịu cho bé.
Rửa mũi cho bé bằng nước muối sinh lý
1) Nhỏ hoặc xịt một ít nước muối sinh lý vào mỗi bên mũi cho bé để làm mềm các chất dịch, giúp cho việc hút mũi dễ dàng hơn.
2) Kê đầu bé hơi cao lên một chút hoặc đặt bé nằm nghiêng để bé cảm thấy thoải mái hơn, sau đó dùng chai nhỏ giọt hoặc bình xịt xịt trực tiếp dung dịch vào mũi bé rồi hút; lấy giấy lau sạch đầu hút rồi tiếp tục với bên còn lại. Khi đã làm xong cả 2 bên mũi, mẹ nên giữ bé ở tư thế nằm nghiêng khoảng 10 giây.
3) Cuối cùng dùng bông tăm hoặc khăn giấy mềm ngoáy khô mũi cho bé.
Nếu như, sau khi vệ sinh cho trẻ sơ sinh xong, bé vẫn tiếp tục nghẹt mũi hoặc sổ mũi thì mẹ có thể nhỏ thêm cho bé 1 ít nước muỗi nữa, Tuy nhiên, mẹ không được nhỏ mũi bằng nước muối cho bé trong 4 ngày liên tiếp vì nó có thể làm khô bên trong mũi và làm cho tình trạng viêm mũi tồi tệ thêm. Đồng thời, mỗi ngày, mẹ chỉ nên hút mũi cho trẻ tối da là 3 lần và không nên hút quá mạnh mỗi khi làm vệ sinh cho bé bời lực hút có thể làm cho mô mũi bị viêm (hoặc thậm chí chảy máu), khiến cho tình trạng viêm mũi trở nên nặng hơn.
Tắm nước ấm cho bé
Hơi nước là một trong những biện pháp tốt để khắc phục chứng ho và ngạt mũi ở trẻ sơ sinh. Khi tiếp xúc với hơi nước sẽ giúp chất đờm trong mũi bé được làm loãng và giúp mũi và họng được thông thoáng hơn. Đối với trẻ trên 2 tuổi mẹ có thể cho thêm tinh dầu hoa oải hương hay tinh dầu hoa cúc vào nước tắm để giúp bé cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn. Điều này rất tốt cho giấc ngủ ngon của trẻ sơ sinh.
Dùng tinh dầu bạc hà
Tinh dầu bạc hà có tác dụng kích thích các mạch máu dãn ra từ đó giúp cho không khí đi vào dễ dàng hơn để bé hít thở khi bị ngạt mũi. Mẹ có thể đốt một chút tinh dầu bạc hà trong phòng để giúp bé dễ thở hơn hoặc cho vào bồn tắm lúc xông hơi cho bé. Tuy nhiên, mẹ chỉ nên cho 1 chút thôi nếu liều lượng quá mạnh có thể khiến trẻ bị khó thở hơn đấy.
( Nguồn sưu tầm )